Wednesday, December 3, 2008

Việt Nam liên tiếp ban hành quy định quản lý Internet và blog cá nhân.

Trong tháng 12/2008 văn bản khác dưới dạng thông tư sẽ ra đời để quản lý riêng loại hình blog. Việt Nam thật sự muốn kiểm soát hình thức thông tin trên blog. Chính Phủ ban hành Nghị Định 08/2008 liên quan đến việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet tại Việt Nam. Nghị định này liệt kê một số hành vi bị cấm khi sử dụng Internet, trong đó có hành vi “chống lại nhà nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.” Hội Thảo “Xây Dựng Thông Tư Về Hoạt Động Cung Cấp Thông Tin Trên Blog” ngày 27 tháng 11 vừa qua ngụ ý sẽ có một thông tư riêng, qui định các hoạt động liên quan đến blog.

Blog là do một người viết, và những điều người ấy viết có thể là cảm xúc cá nhân, những điều tai nghe mắt thấy, hoặc bình luận về các vấn đề xã hội. Đó không phải là bản tin. Mặc dầu một blog có thể đề cập đến vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, nhưng không thể gọi là bản tin, đó chỉ là cách suy nghĩ, nhìn nhận của duy nhất một cá nhân.

Sự xuất hiện của Internet góp phần vô hiệu hoá nỗ lực kiểm soát thông tin của chính quyền Việt Nam. Những thông tin, suy nghĩ xưa nay được xem là nhạy cảm thì càng ngày càng được chia sẻ trên Internet. Người dân ngày càng nhận biết blog là nguồn thông tin rất quý, là công cụ phát biểu ý kiến rất tốt. Blog là nơi mọi người có thể tham gia mà không bị sự cản trở của nhà nước. Blog là một sự tự do thông tin, tự do báo chí tốt tại Việt Nam hiện nay

Những tháng cuối năm 2007, phong trào thanh niên sinh viên biểu tình chống Trung Quốc trong vụ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một phần được khởi xướng và loan truyền trên Internet. Thời điểm ấy, một blogger nổi tiếng với bút danh Điếu Cày, hiện đang ở bị cầm tù tại Việt Nam, đã nhận định blog là một sự tự do thông tin.

Tình trạng thiếu tự do báo chí, đã khiến cho độc giả Việt Nam có nhu cầu tìm kiếm những thông tin khách quan, mà các tờ báo trong nước không có. Từ thực tế này, nhiều blogs đã nhanh chóng chuyển mình trở thành những tờ báo không chính thức. Nhiều bloggers thì đã biến thành những ký giả nhiệt thành, họ đăng tải tất cả những tin tức nhạy cảm mà giới truyền thông chính thức không thể làm được. Qua vụ Trung Quốc chiếm Hoàng Trường Sa và thành lập thành phố Tam Sa, các cuộc biểu tình của sinh viên thanh niên ở trong nước, thì ta thấy không một báo chí nào dám đăng, nhưng mà nhờ cộng đồng blog, mọi người đã biết rằng là sinh viên ở trong nước biểu tình trước tòa đại sứ và lãnh sự quán Trung Quốc để phản đối kế hoạch Tam Sa.

Nhiều tin tức thuộc loại nhạy cảm mà 700 tờ báo chính thức không đưa ra thì ở blog, mọi việc được phô bày ra hết. Từ vụ PMU18, đến những biểu tình tại Hồ Chí Minh và Thái Hà. Mỗi blogger là một nhà báo công dân, khi đưa thông tin lên blog tức đã để mọi người cùng được biết, mọi người cùng, dùng quyền công dân của mình để đòi hỏi Nhà nước thực hiện cho đúng chức năng mà luật pháp quy định.

Ngoài vai trò một tờ báo công dân, blog còn đã phát triển để trở thành một phòng họp vượt không gian, như trong thời gian chuẩn bị cho cuộc biểu tình phản đối kế hoạch Tam Sa của Trung Quốc, các bloggers đã dùng blog để thông báo cho nhau chương trình hành động và các điểm hẹn đã phải thay đổi liên tục vì nhu cầu bảo mật.

Việc quản lý blog sẽ rất khó thực hiện. kiểm duyệt hàng triệu trang blogs đòi hỏi một lực lượng hùng hậu khó ai có thể đáp ứng được. Nếu một blog bị cấm không cho xuất hiện, thì chỉ năm phút sau chủ nhân của blog này có thể cho ra đời một blog mới để tiếp tục viết một cách dễ dàng. Hệ thống chằng chịt của blog, và các tương quan chặt chẽ giữa các bloggers cùng quan điểm, họ sẽ có khuynh hướng liên kết với nhau trong các thái độ phản kháng nếu cần, và hỗ trợ nhau trong những thông tin và kiến thức kỹ thuật để tránh sự kiểm duyệt.

Các chính phủ cần phải hiểu rằng mọi kiểm duyệt trên mạng lưới toàn cầu đều không dễ thực hiện, vì cộng đồng dân mạng sẽ dùng hết tất cả sự hỗ trợ của kỹ thuật để vượt qua mọi chướng ngại trong mục đích bảo vệ cho tự do tư tưởng và tự do ngôn luận của họ.

No comments: